BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?

Đái tháo đường (ĐTĐ) có thể gây ra biến chứng trên thận và được gọi là bệnh thận ĐTĐ. Đây là bệnh thận tiến triển có thể xảy ra ở người bệnh ĐTĐ típ 1 & típ 2. Nguy cơ gia tăng theo thời gian mắc bệnh và các yếu tố khác, như huyết áp cao và tiền sử gia đình mắc bệnh thận. Hơn 40% các trường hợp bệnh thận mạn (BTM) là do ĐTĐ. Và ĐTĐ cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra BTM giai đoạn cuối (ESRD).

Bệnh thận ĐTĐ thường tiến triển chậm. Nhưng với điều trị sớm, bạn có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự tiến triển của nó. Khi bạn mắc bệnh ĐTĐ không có nghĩa là bạn sẽ phát triển thành bệnh thận ĐTĐ. Và không phải tất cả mọi người bị bệnh thận ĐTĐ sẽ tiến triển thành BTM hoặc BTM giai đoạn cuối.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tổn thương thận ở giai đoạn đầu thường không gây ra các triệu chứng nào đáng để chú ý. Bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bạn ở giai đoạn cuối của bệnh thận.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Mỗi quả thận của bạn có khoảng 1 triệu nephron. Nephron là những cấu trúc nhỏ lọc chất thải từ máu của bạn vào nước tiểu. Bệnh ĐTĐ có thể khiến nephron dày lên, xơ hóa và sẹo, làm chúng ít có khả năng lọc chất thải và loại bỏ chất dịch ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các nephron rò rỉ một loại protein gọi là albumin vào nước tiểu. Khi đó, bạn có thể thấy nhiều bọt khi tiểu, hoặc sẽ đóng nhiều cặn nếu nó được giữ sau một thời gian. Có thể đo lượng albumin trong nước tiểu để chẩn đoán và xác định sự tiến triển của bệnh thận ĐTĐ.

Lý do chính xác điều này xảy ra ở những người mắc bệnh ĐTĐ vẫn chưa được biết, nhưng lượng đường trong máu cao và tăng huyết áp được cho là các yếu tố góp phần gây ra bệnh thận ĐTĐ. Tăng huyết ápđường huyết cao kéo dài là nguyên nhân gây ra tổn thương cho thận của bạn, khiến chúng không thể lọc chất thải và loại bỏ nước thừa ra khỏi cơ thể.Các yếu tố khác đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ĐTĐ là:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh thận
  • Phát triển bệnh ĐTĐ típ 1 trước khi bạn 20 tuổi
  • Hút thuốc
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có các biến chứng khác của ĐTĐ (như bệnh về mắt, thần kinh)

CHẨN ĐOÁN BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Nếu bạn bị ĐTĐ, cần xét nghiệm máu và nước tiểu hàng năm để kiểm tra các dấu hiệu sớm của tổn thương thận, vì bệnh ĐTĐ là một yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh thận. Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:

Albumin niệu. Nước tiểu bình thường không chứa albumin, vì vậy sự hiện diện của nó trong nước tiểu của bạn là dấu hiệu của tổn thương thận.

BUN máu. Nhằm kiểm tra sự hiện diện của urea nitrogen trong máu của bạn. Urea nitrogen hình thành khi protein bị phá vỡ. Lượng urea nitrogen trong máu cao hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu của suy thận.

Creatinine máu. Thận loại bỏ creatinine máu ra khỏi cơ thể của bạn bằng cách đào thải creatinine vào nước tiểu. Nếu thận của bạn bị tổn thương, nó không thể loại bỏ creatinine đúng cách khỏi máu. Nồng độ creatinine trong máu tăng cao có nghĩa là thận của bạn không hoạt động tốt. Bác sĩ sẽ sử dụng mức độ creatinine để ước tính mức lọc cầu thận (GFR), giúp xác định thận của bạn hoạt động tốt/xấu như thế nào.

Sinh thiết thận. Khi nghi ngờ bạn mắc bệnh thận ĐTĐ, bác sỹ có thể chỉ định sinh thiết thận. Đây là một thủ thuật ngoại khoa, trong đó một mẫu nhỏ của 1-2 quả thận của bạn được lấy ra để xem dưới kính hiển vi.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Điều trị sớm có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh thận ĐTĐ. Có 5 giai đoạn của bệnh thận. Giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất và chức năng thận có thể được phục hồi khi điều trị. Giai đoạn 5 là dạng suy thận nặng nhất. Ở giai đoạn 5, thận không còn hoạt động, bạn sẽ cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Mức lọc cầu thận (GFR) có thể được sử dụng để giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh thận của bạn. Biết giai đoạn của bạn là rất quan trọng bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị. Để tính GFR, bác sĩ sẽ sử dụng kết quả từ xét nghiệm creatinine máu, cùng với tuổi, giới tính và vóc dáng của bạn.

ĐIỀU TRỊ BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Không có cách chữa trị dứt điểm bệnh thận ĐTĐ. Phương pháp điều trị nhằm mục đích làm trì hoãn/hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Bao gồm: kiểm soát lượng đường huyết và mức huyết áp nằm trong mục tiêu thông qua thuốc men và thay đổi lối sống. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị bạn chuyển sang chế độ ăn uống đặc biệt. Nếu bệnh thận của bạn tiến triển thành ESRD, bạn sẽ cần điều trị xâm lấn nhiều hơn.

Thuốc

  • Thường xuyên theo dõi lượng đường huyết, sử dụng liều lượng insulin thích hợp và dùng thuốc viên theo chỉ dẫn của bác sĩ, sẽ giúp cho bạn kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
  • Bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB), hoặc các loại thuốc huyết áp khác để giảm mức huyết áp của bạn.

Chế độ ăn uống và thay đổi lối sống khác.

Bác sĩ sẽ giúp bạn lên kế hoạch chế độ ăn uống đặc biệt và tối ưu cho thận của bạn. Một chế độ ăn khắt khe hơn chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn cho người mắc bệnh ĐTĐ. Bao gồm:

  • Hạn chế lượng protein,
  • Tiêu thụ chất béo lành mạnh, nhưng hạn chế tiêu thụ chất béo và axít béo bão hòa
  • Giảm lượng natri xuống 1.5-2.0 gam/ngày, hoặc ít hơn 
  • Hạn chế tiêu thụ kali, như giảm hoặc hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng kali cao như chuối, bơ, và rau bina.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều phốt pho, như sữa chua, sữa và thịt chế biến.

Bác sĩ có thể giúp bạn thiết lập một kế hoạch ăn uống tùy chỉnh theo sở thích. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách cân bằng tốt nhất các loại thực phẩm bạn ăn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một kế hoạch tập thể dục cho bạn để giúp giữ cho huyết áp của bạn thấp và thận của bạn khỏe mạnh.

LỜI KHUYÊN CHO GIÚP CHO THẬN KHỎE MẠNH

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ, có những bước bạn có thể thực hiện để giữ cho thận khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh thận ĐTĐ cũng như các biến chứng khác do bệnh này gây ra. 

  • Giữ mức đường huyết của bạn trong phạm vi mục tiêu. 
  • Kiểm soát huyết áp ổn định. 
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì. 
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh mà ít natri. Tập trung vào việc ăn sản phẩm tươi, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến vì chúng có thể nạp nhiều muối và calories rỗng. 
  • Cố gắng sao cho tập thể dục là một phần thói quen thường xuyên. Tập thể dục có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm huyết áp và ổn định đường huyết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Parving H, Mauer M, Ritz E. Diabetic Nephropathy. In: Brenner BM. Brenner and Rector’s The Kidney. 8th ed. Philadelphia, Pa: Saunders Elsevier; 2007: chap 36.
  2. American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes–2010. Diabetes Care. 2010 Jan;33 Suppl 1:S11-61.
  3. Inzucchi SE, Sherwin RS. Diabetes Mellitus. In: Goldman L, Ausiello D, eds. Cecil Textbook of Medicine. 23rd ed. Philadelphia, Pa: Saunders Elsevier; 2007: chap 248.
  4. American Diabetes Association (2004). Nephropathy in diabetes. Clinical Practice Recommendations 2004. Diabetes Care. 27(Suppl 1): S79–S83.
  5. Berkman, James; Rifkin, Harold (1973). “Unilateral nodular diabetic glomerulosclerosis (Kimmelstiel-Wilson): Report of a case”. Metabolism (Elsevier Inc.) 22 (5): 715–722. doi:10.1016/0026-0495(73)90243-6. PMID 4704716.
  6. Kimmelstiel P, Wilson C. Benign and malignant hypertension and nephrosclerosis. A clinical and pathological study. Am J Pathol 1936;12:45-48.
  7. Diabetes Mellitus and Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors
  8. a b The ONTARGET Investigators; Yusuf, S; Teo, KK; Pogue, J; Dyal, L; Copland, I; Schumacher, H; Dagenais, G et al. (2008). “Telmisartan, Ramipril, or Both in Patients at High Risk for Vascular Events”. New England Journal of Medicine 358 (15): 1547–59. doi:10.1056/NEJMoa0801317. PMID 18378520.
  9. Wahren J, Ekberg K, Jörnvall H (2007). “C-peptide is a bioactive peptide”. Diabetologia 50 (3): 503–9. doi:10.1007/s00125-006-0559-y. PMID 17235526.

0 Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *